Kiến thức

Đọc và phân tích Báo cáo kết quả kinh doanh

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, mục tiêu quan trọng mà các doanh nghiệp đề ra là tối đa hóa lợi nhuận. Thông tin liên quan đến lợi nhuận của doanh nghiệp thường được thể hiện chi tiết trong báo cáo tài chính, đặc biệt là trong bảng báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD). Để có cái nhìn chi tiết và sâu sắc hơn về nội dung và cách phân tích báo cáo KQKD, chúng ta cùng xem xét một số điều quan trọng khi tiến hành phân tích báo cáo này của doanh nghiệp.

Báo cáo kết quả kinh doanh là gì?

Báo cáo KQKD là báo cáo tổng kết doanh thu, chi phí hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo (quý hoặc năm tài chính).

Báo cáo KQKD chia hoạt động của doanh nghiệp thành 3 mảng: Hoạt động kinh doanh chính (hoạt động cốt lõi), Hoạt động tài chính và Hoạt động khác.

Hoạt động kinh doanh chính

Bao gồm các khoản mục sau:

  • Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ: Đại diện cho doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, sau khi loại bỏ các khoản giảm trừ doanh thu. Thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu.
  • Giá vốn của hàng bán: Bao gồm tất cả các chi phí liên quan đến việc sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ đã bán.
  • Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ – Giá vốn của hàng bán: Đại diện cho lợi nhuận trực tiếp từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
  • Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (QLDN).

Bạn có thể tính toán chỉ số:

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ

Chỉ số này phản ánh tỷ suất lợi nhuận thu được từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp duy trì mức cao trong dài hạn, nó có thể cho thấy doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ.

Hoạt động tài chính

Bao gồm các mục:

  • Doanh thu tài chính: có từ các nguồn như: lãi tiền gửi, lãi từ nhận đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá…
  • Chi phí tài chính: gồm có chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá, dự phòng các khoản đầu tư tài chính,… phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.

Trong đó: Chi phí lãi vay và Lỗ chênh lệch tỷ giá (nếu có) là 2 loại chi phí quan trọng mà bạn cần chú ý.

Lấy doanh thu trừ đi chi phí ở 2 hoạt động này, ta được Lợi nhuận thuần:

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = Lợi nhuận gộp + Doanh thu TC – Chi phí TC – Chi phí BH, QLDN

Hoạt động khác

Những thành phần không thuộc hoạt động kinh doanh chủ yếu và hoạt động tài chính của doanh nghiệp sẽ được tổng hợp ở đây. Thông thường, phần này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cấu trúc kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.

  • Thu nhập khác: Bao gồm các nguồn thu nhập như lợi nhuận từ việc thanh lý, thu nhập từ việc nhượng bán tài sản, hoặc các khoản bồi thường liên quan đến việc vi phạm hợp đồng.
  • Chi phí khác: Ngược lại với thu nhập khác, chi phí khác xuất phát từ các chi phí liên quan đến việc thanh lý lỗ, chi phí từ việc nhượng bán tài sản, hay các khoản bồi thường phát sinh do việc vi phạm hợp đồng.
  • Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác: Thể hiện lợi nhuận hoặc lỗ lãi từ các hoạt động nằm ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh chính và tài chính.

Lợi nhuận

Tổng hợp lợi nhuận từ các nguồn đã nêu trên, chúng ta sẽ có Lợi nhuận trước thuế và Lợi nhuận sau thuế như sau:

Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + Lợi nhuận khác

Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Thuế TNDN


Kết quả này đại diện cho khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp và cổ đông sở hữu, sau khi đã khấu trừ các nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chỉ số chứng khoán Việt Nam